Đẩy mạnh truyền thông đối ngoại để quảng bá năng lực doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam

Đại diện Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần phải có chính sách và đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại, để thế giới hiểu về năng lực của ngành gỗ Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam thăng tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Tại Hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” ngày 30/12, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khi lọt vào tốp đầu những quốc gia chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ trên thế giới.

NÂNG CAO UY TÍN NGÀNH GỖ VIỆT NAM

Cụ thể hơn, đối với những sản phẩm đồ mộc và đồ ngoại thất thất, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong nước, Chính phủ đánh giá ngành công nghiệp gỗ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn.

Tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu gỗ hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, với thành phần chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang cần đến sự hỗ trợ của chính phủ cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đó, vấn đề cấp thiết nhất chính là đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại cho ngành gỗ Việt Nam. Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm gỗ đến trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ trên 100 thị trường.

Do sản phẩm gỗ xuất phát từ thiên nhiên nên thường bị kiểm tra rất kỹ do gắn với nhiều quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính vì vậy, các sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài cũng đều bị kiểm tra rất kỹ để đảm bảo không gây suy thoái rừng.

Ông Hoài cho biết việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về quá trình phát triển và cam kết của ngành gỗ Việt Nam là cần thiết để các quốc gia phát triển biết về uy tín và tăng độ tin cậy đối với ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, bao gồm trở thành quốc gia đầu tiên ký hiệp định đối tác tự nguyện với EU để đảm bảo quản trị rừng và thực hiện thương mại gỗ một cách bền vững. Việt Nam cũng đang chủ động chuẩn bị thực thi quy định không gây suy thoái rừng mới EUDR.

Về nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2014 để chuyển hẳn sang lâm nghiệp trồng rừng. Toàn bộ nguyên liệu của ngành chế biến gỗ Việt Nam được lấy từ gần 3 triệu ha rừng trồng cây keo mọc nhanh và gần 1 triệu ha cây cao su.

Ngoài nâng cao uy tín cho ngành gỗ Việt Nam, việc đẩy mạnh truyền thông đối ngoại cũng giúp ngành này đi lên trong chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, ngành gỗ Việt Nam hiện nay chủ yếu đang làm công đoạn gia công cho các thị trường nước ngoài, chưa chủ động về mẫu mã, thiết kế và phân phối đến khách hàng nước ngoài.

“Cần phải đẩy mạnh truyền thông đối ngoại, để thế giới biết ngành gỗ Việt Nam có năng lực cạnh tranh, có lợi thế so sánh và các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam tạo ra tuân thủ hoàn toàn các quy định về chống suy thoái rừng, cũng như có thể truy xuất nguồn gốc đến điểm cuối cùng”, ông Hoài nhấn mạnh.

CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ KẾT NỐI VỚI KHÁCH HÀNG NƯỚC NGOÀI

Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, bên cạnh việc các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, thì cũng cần có sự giúp đỡ của nhà nước ở tầm quốc gia.

Giống như trong lĩnh vực du lịch đã có những chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam trên những kênh truyền hình nổi tiếng như CNN, ngành gỗ cũng cần có những chiến dịch quảng bá ở quy mô tương tự, khi đây là một nhóm hàng xuất khẩu lớn với kim ngạch mỗi năm lên đến 17-18 tỷ USD.

Ngoài đẩy mạnh quảng bá ra nước ngoài, ông Hoài bổ sung thêm các doanh nghiệp cũng mong muốn được các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông qua việc hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia hội chợ quốc tế, cũng như khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia những hội chợ ngành gỗ được tổ chức hàng năm trong nước.

“Ngay cả những sự quan tâm rất nhỏ của cơ quan đại diện cũng có thể “cứu rỗi” doanh nghiệp. Những đơn hàng riêng lẻ được ký kết với những đối tác nước ngoài có thể trở thành mối quan hệ hợp tác lâu dài, đem lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp”, ông Hoài khẳng định.

Bên cạnh việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, ông Hoài kỳ vọng các cơ quan thương vụ tiếp tục hỗ trợ để bảo vệ doanh nghiệp gỗ Việt Nam khỏi các biện pháp phòng vệ thương mại, do đây là một ngành tăng trưởng nhanh, có nguy cơ cao trở thành “nạn nhân” của các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã giúp ngành gỗ vượt qua cuộc điều tra phòng vệ thương mại kéo dài 2 năm đối với sản phẩm tủ bếp và bàn trang điểm của chính phủ Mỹ, một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lên tới 2,5 tỷ USD. Trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, hiện nay Mỹ cũng là thị trường chính của Việt Nam với kim ngạch hàng năm gần 9 tỷ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Việc cuộc điều tra kết thúc và Việt Nam được hưởng quy chế tự khai báo với những sản phẩm tủ bếp và bàn trang điểm đã giúp nhiều doanh nghiệp “thở phào”, yên tâm tiếp tục sản xuất.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN