Có gần 1.700 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ là đối tượng phân loại doanh nghiệp, tuy nhiên sau gần 2 năm rưỡi, mới có chưa đầy 200 doanh nghiệp được phân loại…
Sẽ thuận lợi hơn về thủ tục hải quan
Tại buổi hướng dẫn phân loại doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu gỗ do Chi hội Gỗ dán Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức chiều 1/11, bà Nguyễn Tường Vân, chuyên gia VPA/FLEGT (Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) cho biết: Việc phân loại DN theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP là yêu cầu khách quan chứ không phải là làm khó cho DN.
Sở dĩ cơ quan quản lý đặt ra quy định này là tất yếu khi các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp ngày càng nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ có Đạo luật Lacey, EU có Quy chế gỗ (EUTR) và Quy chế không gây mất rừng (EUDR), Australia có Luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp, Nhật Bản có Luật gỗ sạch, Hàn Quốc có Luật sử dụng gỗ bền vững, Anh quốc có Quy chế sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ.
Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU; Thỏa thuận về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ nhằm cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng.
EU, Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam phải xác minh từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang các thị trường này để đảm bảo là gỗ hợp pháp.
Do đó, với việc phân loại DN, ngoài việc giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ thì với việc được phân loại, DN cũng thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu sản phẩm.
“Thay vì phải xác minh từng lô hàng xuất khẩu thì với việc phân loại chỉ xác minh năng lực của DN”, Bà Vân giải thích.
Theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP và Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại DN chế biến và xuất khẩu gỗ, đối tượng phân loại DN là DN có hoạt động chế biến đồng thời với hoạt động xuất khẩu gỗ. Quy định này có hiệp lực từ 1/5/2022
Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, năm 2022 cả nước có 1.663 DN chế biến và xuất khẩu thuộc đối tượng phân loại DN.
Tuy nhiên thao Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã mở rộng đối tượng phân loại DN gồm: DN trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ.
Ước tinh (theo số liệu năm 2022) đối tượng phân loại DN theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 15/11/1024) là 3.921 DN (trong đó có 1.663 DN là đối tượng phân loại theo Nghị định 102/NĐ-CP.
Trong phân loại, DN đạt tiêu chí nhóm I phải đạt cả 4 tiêu chí: Tuân thủ pháp luật trong việc thành lập và hoạt động ít nhất 1 năm kể từ ngày đăng ký thành lập DN; Tuân thủ quy định pháp luật về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy định của Nghị định 102/2020/NĐ-CP và quy định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản (nay là Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT); Tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP và lưu hồ sơ gốc theo quy định của pháp luật; Không vi phạm đến mức xử lý theo quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP (trên 25 triệu đồng). DN không đạt 1 trong 4 tiêu chí này thuộc DN nhóm 2.
Lúng túng trong triển khai…
Chuyên gia Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh, việc phân loại DN nhằm đánh giá mức độ rủi ro của các DN trong chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam về việc tuân thủ pháp luật theo yêu cầu của Hệ thống VNTLAS.
Đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xác minh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU một cách phù hợp, hiệu quả và kịp thời.
Việc phân loại giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích DN tuân thủ pháp luật.
Giải thích rõ hơn về quyền lợi DN, ông Phạm Văn Thái, Phòng kiểm tra xử lý vi phạm, Cục Kiểm lâm cho biết việc phân loại hay không phân loại thì hồ sơ xuất khẩu như nhau (Điều 19, Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT), chỉ khác là DN được phân loại nhóm 1 thì được tự xác nhận bảng kê; DN thuộc nhóm 2 thì cơ quan hải quan xác nhận.
Trong số hơn 30 DN tham gia buổi tập huấn duy nhất có 1 DN cho biết đã thực hiện các thủ tục phân loại DN, nhưng hồ sơ bị trả về. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hùng (Hà Nội).
Bà Đặng Thị Thái, Phó giám đốc công ty chia sẻ, công ty có trụ sở chính ở Hà Nội và 2 nhà máy ở Bắc Giang và Hưng Yên.
Nhận thức được những lợi ích của việc phân loại DN khi làm thủ tục hải quan nên Công ty đã chuẩn bị bộ hồ sơ rất đẹp (đáp ứng đủ điều kiện về Phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường….) và tự tin nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, sau 20 ngày, hồ sơ của DN bị Chi cục Kiểm lâm Hà Nội từ chối với lý do DN chưa nộp báo cáo quý cho Hạt Kiểm lâm Bắc Giang và Hưng Yên theo quy định.
“Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vật vã tìm lý do để từ chối vì sợ trách nhiệm, tôi cảm thấy họ vô cùng phấn khởi khi tìm ra lý do từ chối và khuyên DN nên nộp hồ sơ ở Bắc Giang và Hưng Yên. Tuy nhiên chúng tôi đã đến 2 đơn vị này thì bị từ chối vì trụ sở chính của công ty ở Hà Nội..”, đại diện của DN chia sẻ, đồng thời cho biết, DN không bỏ cuộc. “Chúng tôi sẽ nộp báo cáo quý cho Hạt kiểm lâm Bắc Giang và Hưng Yên xem năm sau hồ sơ có bị từ chối không”.
Đại diện Chi hội dăm gỗ Việt Nam, ông Phạm Văn Thành cho biết, với các DN dăm gỗ hiện tại chưa yêu cầu phân loại DN, tuy nhiên các DN cùng phải tính đến khi Nghị định 120/2024/NĐ-CP có hiệu lực.
Theo ông Thành, các DN đang băn khoăn về tiêu chí “Không vi phạm đến mức xử lý trên 25 triệu đồng”, bởi hiện nay cơ quan thuế chỉ công khai danh sách các DN vi phạm lớn về thuế, nhưng khi thanh tra kiểm tra phát hiện vi phạm, DN có thể bị phạt với mức trên 25 triệu đồng, vậy lúc đó DN có bị đánh tụt hạng không?
Không ít DN cùng tỏ ra băn khoăn về việc DN được xếp nhóm 1 thì khi làm chứng nhận xuất xứ (C/O) có phải xác minh lại không? Cơ quan thuế có truy suất đến F0, F1, F2… không?
Không trực tiếp chia sẻ tại diễn đàn, một DN dấu tên cho biết DN không có ý định thực hiện phân loại DN bởi việc xuất khẩu vẫn tốt, phía đối tác cũng không yêu cầu, trong thì các yêu cầu thủ tục phân loại đang phát sinh thời gian, chi phí của DN…
Nguồn: nhadautu.vn