Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam dự báo, xuất khẩu gỗ 2 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 3,2 tỉ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cả năm lên khoảng 14 tỉ USD, khó đạt mục tiêu 17 tỉ USD đề ra từ đầu năm.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, tuy không phải là đơn hàng lớn nhưng cũng phần nào giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Thậm chí đã có doanh nghiệp gỗ nhận được đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm 2024.
Các doanh nghiệp đánh giá, thị trường xuất khẩu gỗ đang dần hồi phục, các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đã đặt hàng trở lại, số lượng không nhiều nhưng là tín hiệu tốt. Để có thêm đơn hàng, doanh nghiệp cần phải tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp cận và mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ, châu Phi. Những thị trường này tuy không lớn nhưng nếu tìm kiếm được nhiều khách hàng sẽ bù đắp lại phần thiếu hụt từ Mỹ và EU.
Ở trong nước, dù thị trường bất động sản giảm sút, ảnh hưởng đến tiêu thụ đồ gỗ nhưng vẫn có nhiều khách hàng muốn thay đổi đồ gỗ đã cũ sang hàng mới. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tuy doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại nhưng thị trường xuất khẩu và sản phẩm gỗ vẫn còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới.
Trong khi đó, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chú ý đến yếu tố môi trường vì nhiều khách hàng Mỹ, EU đang đưa ra nhiều yêu cầu rất cao, liên quan đến thân thiện môi trường. Các đơn hàng xuất khẩu phải đáp ứng nhiều điều kiện từ nguyên liệu, sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải bảo đảm trong chuỗi cung ứng xanh, như: gỗ nguyên liệu phải đến từ rừng trồng nhưng rừng trồng đó cũng phải được tái tạo bền vững.
Nguồn: Công Lý