Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang chuyển mình để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu về truy xuất nguồn gốc và tính bền vững trong chuỗi cung ứng gỗ.
Bước chuyển chiến lược để vào thị trường khó tính
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất Đông Nam Á và đứng trong nhóm đầu thế giới về chế biến gỗ. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ rừng trồng trong nước vẫn còn thấp, phần lớn nguyên liệu là từ rừng chu kỳ ngắn như keo, bạch đàn, chủ yếu phục vụ sản xuất dăm gỗ.
Trong khi đó, các thị trường cao cấp, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), đang áp dụng những quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, tính bền vững và trách nhiệm với môi trường, như Quy định chống phá rừng (EUDR).
EUDR yêu cầu mọi sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, không gây phá rừng và có hệ thống truy xuất toàn diện. Thời hạn tuân thủ với doanh nghiệp lớn là từ 30.12.2025, doanh nghiệp nhỏ là 30.6.2026.
Nắm bắt xu thế đó, Dự án “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (SFM) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam triển khai từ năm 2022 đến 2025 tại ba địa phương: Quảng Trị, Gia Lai và Đắk Lắk.
Tỉnh Gia Lai, nơi có thế mạnh về tài nguyên rừng và là một trong những “thủ phủ” gỗ xuất khẩu của cả nước, được chọn làm địa bàn trọng điểm để triển khai các mô hình chuyển đổi sang rừng gỗ lớn.
Hai doanh nghiệp tiên phong là Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã xây dựng các mô hình trình diễn rừng trồng chu kỳ dài, mỗi mô hình rộng 48ha.
Điểm đặc biệt là thay vì trồng thuần loài keo chu kỳ ngắn, các đơn vị này kết hợp trồng xen cây bản địa như lim xanh – loài gỗ quý có giá trị cao trong hệ sinh thái hỗn giao nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ xẻ chất lượng cao, phục vụ ngành chế biến đồ gỗ cao cấp trong nước và xuất khẩu.
Nền tảng cho truy xuất và giám sát bền vững
Để đáp ứng được yêu cầu truy xuất của EU, việc phát triển rừng gỗ lớn chưa đủ. Quản lý rừng phải đi kèm với khả năng giám sát, báo cáo và lưu trữ thông tin minh bạch, nhất là trong bối cảnh diện tích rừng ngày càng mở rộng. Từ thực tiễn tại Gia Lai, hai công ty Sông Kôn và Quy Nhơn đã chứng minh rằng công nghệ chính là lời giải cho bài toán đó.
Thay vì kiểm tra rừng theo phương pháp truyền thống sẽ tốn nhân lực, thời gian và dễ sai số, các doanh nghiệp đã đầu tư máy bay không người lái (drone) để thực hiện tuần thám, chụp ảnh và thu thập dữ liệu theo thời gian thực.
Việc kiểm tra vốn cần 4 người trong 7 ngày thì nay chỉ còn 2 người trong 2 ngày với diện tích lớn gấp 10 lần.
Bên cạnh đó, các nền tảng như INATrace và DIASCA cũng đang được thử nghiệm tại các mô hình thuộc dự án SFM. Đây là những hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số, cho phép ghi nhận thông tin từ hộ trồng rừng đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Mỗi khúc gỗ đều có thể truy ngược về lô rừng, thời gian trồng, đơn vị quản lý và kỹ thuật canh tác – đáp ứng chính xác yêu cầu từ EUDR.
Công nghệ giúp quản lý hiệu quả, nhưng yếu tố con người, đặc biệt là cộng đồng địa phương, mới là nền tảng lâu dài cho phát triển rừng bền vững.
Những gì đang diễn ra từ Gia Lai cho thấy, để phát triển lâm nghiệp bền vững, cần song hành ba trụ cột – chuyển đổi mô hình trồng rừng, ứng dụng công nghệ và gắn kết cộng đồng.
Dự án SFM đang tiếp tục phối hợp với các địa phương và cơ quan trung ương để hoàn thiện khung pháp lý, thiết kế các phương án tài chính và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với chuỗi cung ứng bền vững.
Một khi các điểm trình diễn thành công và được nhân rộng, Việt Nam sẽ có đủ điều kiện để khẳng định vị thế trên thị trường gỗ toàn cầu, không bằng số lượng, mà bằng chất lượng, trách nhiệm môi trường và minh bạch chuỗi cung ứng.
Đó chính là “hộ chiếu xanh” để gỗ Việt vươn ra thế giới bằng con đường phát triển bền vững.
Nguồn: laodong.vn