Năm 2024 là một năm đầy dấu ấn cho ngành gỗ Việt Nam với nhiều thành tựu trong sản xuất, xuất khẩu và cam kết phát triển bền vững.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam đã đạt được thành tựu xuất khẩu ấn tượng, với tổng giá trị ước tính khoảng 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD – một mức tăng trưởng nổi bật so với năm 2023.
Trong đó, sản phẩm gỗ chế biến đạt 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ nguyên liệu ghi nhận giá trị xuất khẩu 3,533 tỷ USD, tăng 13,1%; lâm sản ngoài gỗ đóng góp 777 triệu USD, tăng 3,9%. Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của ngành gỗ Việt Nam, giúp đất nước vươn lên vị trí thứ 5 trên thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Đáng chú ý, Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn và sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các sản phẩm gỗ chế biến sâu và đồ nội thất giá trị gia tăng cao đã không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn chiếm lĩnh thị trường quốc tế, góp phần đưa thương hiệu gỗ Việt Nam vươn xa.
Trong năm 2024, ngành gỗ Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật, đánh dấu bước phát triển đáng kể cả về quy mô, công nghệ lẫn các hoạt động bền vững. Các doanh nghiệp gỗ không chỉ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu mà còn tích cực tham gia vào các chương trình quốc tế nhằm hướng tới một ngành công nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Đương cử có thể nói đến tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó, có hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh với các thị trường chủ yếu là: Mỹ chiếm 83,3%, tăng 28,4% so với cùng kỳ; các nước châu Âu chiếm 4,3%, tăng 25,1%; Canada chiếm 2,3%, tăng 20,7%; Hàn Quốc chiếm 1,8%, tăng 13,7%,… (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương 9 tháng năm 2024).
Trong bối cảnh cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều doanh nghiệp gỗ đã chủ động tham gia vào các chương trình chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC và PEFC để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Các chứng nhận này giúp nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia có yêu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường như châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp gỗ cũng tăng cường đầu tư vào công nghệ tái chế và vật liệu thay thế như gỗ tái chế, tre và các nguyên liệu thân thiện với môi trường khác nhằm cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu và mở rộng nguồn cung nguyên liệu.
Trong năm 2024, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đã tham gia tích cực tại Triển lãm Quốc tế về giải pháp nội thất thông minh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, đồng thời bổ sung thêm những kiến thức chuyên sâu về ngành gỗ với những phần mềm có độ ứng dụng đa dạng, linh hoạt trong lĩnh vực nội thất từ đó có thể kết nối với các đối tác quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường.
Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn