Ngành cao su Việt Nam: Hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hiện là xu thế tất yếu để các doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới và tăng cạnh tranh. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su cũng không ngoại lệ, nhất là các thị trường châu Âu, Mỹ hiện đưa ra nhiều yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển xanh đối với các mặt hàng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Những năm qua, ngành cao su Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 250-300 nghìn ha cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững, 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết, Việt Nam đã đặt ra khung pháp lý và hành động mạnh mẽ để quản lý rừng bền vững và sử dụng các nguồn gỗ hợp pháp/được chứng nhận. VFCO và Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng (PEFC) đang hợp tác để thực hiện các mục tiêu quản lý rừng bền vững của Việt Nam và đảm bảo tính hợp pháp, tính bền vững và tính toàn vẹn, phù hợp với các yêu cầu của EUDR. Đến nay, diện tích rừng trồng cao su Việt Nam đã được cấp chứng chỉ đạt 123.66 nghìn ha. Điều này đã thể hiện sự chủ động của các doanh nghiệp cao su Việt Nam trong công tác thích ứng với các quy định, tiêu chuẩn phát triển bền vững toàn cầu, đặc biệt là sắp tới khi quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực.

Nắm bắt xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh để vững vàng hội nhập thị trường quốc tế, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã “đi trước, đón đầu” áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh gắn liền với phát triển kinh tế-bảo vệ môi trường-trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Là đơn vị tiên phong về tăng trưởng xanh và bền vững, từ 5 năm trước, VRG đã triển khai thí điểm Chương trình quản lý rừng cao su bền vững với việc thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050, VRG đã đặt mục tiêu phát triển bền vững với tăng trưởng xanh là trụ cột.

Theo đó, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đã và đang lấy sản xuất, kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sản xuất thân thiện môi trường, đầu tư bài bản vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, đến ủng hộ các hoạt động xã hội, chung tay vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các bon trong dài hạn.

Bên cạnh đó, hiện nay trên toàn cầu, xu hướng tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến và dần trở thành yêu cầu trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Đặc biệt châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và ngành cao su nói riêng – đã đưa ra một loạt yêu cầu về tính bền vững, nhằm trung hòa khí hậu như “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), “Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu” (EUDR)… Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh các mục tiêu cụ thể đã đặt ra, Tập đoàn còn đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các nội dung liên quan đến tín chỉ carbon, quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Tập đoàn đã duy trì và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ về phát triển bền vững như: Grow Asia, PanNature, WWF, PbN… Trong đó, kết quả nổi trội nhất là phối hợp với Oxfam tại Việt Nam và Oxfam tại Campuchia xây dựng “Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững’’ để áp dụng tại Việt Nam và tại Campuchia.

Đến nay, VRG đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tính đến hết tháng 6/2024, VRG đã có 33 công ty thành viên xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững, đạt 284.354ha; 18 công ty thành viên được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 118.337ha và có 38 nhà máy (chế biến cao-su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao-su) đạt PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm).

Bên cạnh đó, VRG triển khai thực hiện chứng nhận Doanh nghiệp bền vững năm 2024 đối với 23 thành viên Tập đoàn ở các lĩnh vực cao-su, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao-su, chế biến gỗ, kinh doanh khu công nghiệp và thủy điện.

Tập đoàn còn đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường các giải pháp sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm năng lượng, truyền thông, đào tạo về phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người lao động và đầu tư an sinh xã hội. Đến nay, Tập đoàn đã và đang triển khai ISO 14001 cho 36 đơn vị; đầu tư 36 hệ thống quan trắc tự động để giám sát trực tiếp quá trình vận hành; triển khai chuyển đổi sấy mủ cao su bằng nhiên liệu biomass của 27 công ty; khoanh nuôi, phục hồi bảo tồn rừng; ban hành sổ tay Hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững áp dụng tại Việt Nam và Campuchia.

Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ thành lập Ban chỉ đạo và tổ thực hiện về quy hoạch để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm rà soát các diện tích phù hợp cho việc phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cung cấp cho các khu công nghiệp, đơn vị sử dụng năng lượng lớn theo cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024, và hướng đến Net Zero.

Là một trong những doanh nghiệp của VRG, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Bình Phước cũng đã tiếp cận với tiêu chí phát triển rừng bền vững. Đến năm 2023, công ty có 10/12 nông trường đạt chứng chỉ rừng bền vững. Chứng chỉ rừng bền vững này mang lại hiệu quả tích cực cho công ty, đó là ý thức của người lao động chấp hành tốt các quy định về sản xuất xanh, chất lượng sản phẩm cao su của công ty được nâng lên rõ rệt.

Có thể nói, đối với các doanh nghiệp có sản phẩm chế biến từ cao su, phát triển bền vững là tiêu chí hàng đầu để mở rộng thị trường, đưa hàng hoá đến các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Anh, nguồn nguyên liệu phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, sản xuất và quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Là doanh nghiệp điển hình về thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến nay, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao-su Đồng Nai đã hoàn thiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm mủ cao-su trên Web App và thiết bị di động thông minh để có thể truy xuất nguồn nguyên liệu từ vườn cây đến nhà máy sản xuất, kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm. Toàn bộ tài liệu có thể chứng minh và cung cấp đến khách hàng theo tiêu chuẩn thẩm định EUDR. Tháng 7/2024, Tổng Công ty cao-su Đồng Nai đã xuất thành công đơn hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu.

Nhiều dư địa cho thị trường xuất khẩu cao su

Thực tế cho thấy, ngành cao su phát triển đồng bộ chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã mang lại nhiều lợi ích lớn hơn trong sản xuất và kinh doanh. Việc đầu tư vào các trang thiết bị hiện đại sẽ góp phần giảm bớt các công việc thủ công, tăng năng suất lao động; đồng thời đầu tư và mở rộng thị trường cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, không bị động và chủ động cả thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu truyền thống.

Nhờ đó, cao su trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 230 nghìn tấn, trị giá hơn 429 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 46% về giá trị so với tháng 10/2023. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,54 triệu tấn, trị giá trên 2,52 tỷ USD, giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu cao su tiếp tục tăng mạnh. Tháng 10/2024, giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.907 USD/tấn, tăng 10,2% so với tháng 9/2024 và tăng 41,7% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.638 USD/tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 10/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt hơn 174 nghìn tấn, trị giá hơn 332 triệu USD, giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 38,1% về giá trị so với tháng 10/2023.

Giá bình quân cao su xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức 1.908 USD/tấn, tăng 10,7% so với tháng 9/2024 và tăng 42,7% so với tháng 10/2023.

Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,06 triệu tấn cao su, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng, nhưng tăng 1,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam xuất khẩu sang Malyasisa đạt 24,8 nghìn tấn cao su, trị giá hơn 35 triệu USD, tăng 349,4% về lượng và tăng 404,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Qua số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2024, có sự dịch chuyển lớn về thị trường xuất khẩu cao su. Trong khi lượng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Argentina, Cộng hòa Séc giảm so với cùng kỳ năm 2023, thì mức tăng xuất khẩu lại được ghi nhận tới nhiều thị trường khác như: Malaysia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia, Đức, Đài Loan, Nga, Sri Lanka, Brazil, Tây Ban Nha, Pháp, Ý…

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 910 nghìn ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025. Điều này kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Theo tính toán của SSI Research, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam tăng 0,5%. Năm 2024, ngành cao su đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 – 3,5 tỷ USD, cao hơn 400 – 600 triệu USD so với năm 2023./.

Theo: consosukien.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN