Ngành gỗ tận dụng cơ hội trước thay đổi của thị trường xuất khẩu

Theo ông Đỗ Xuân Lập (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những thay đổi về chính sách tại Hoa Kỳ và toàn cầu cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ đối với ngành gỗ Việt Nam?

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam. Dự báo, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD. Như vậy, tính riêng thị trường Hoa kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm.

Cùng với Việt Nam, Trung Quốc và Mexico lần lượt là ba quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thị trường này có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai.

Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra mức thuế 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt khâu nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam có thể chịu các tác động tiêu cực. Cụ thể, thứ nhất là gia tăng áp lực cạnh tranh, sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Hoa Kỳ và hàng hóa từ các quốc gia khác. Thứ hai, Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro thương mại và có thể bị áp thuế trừng phạt, do tình trạng hàng hóa Trung Quốc “núp bóng” xuất xứ Việt Nam. Thứ ba, với mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt 100 tỷ USD trong năm 2024, Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế khác.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất

Bên cạnh những khó khăn như ông đã phân tích ở trên, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ những thay đổi về chính sách trong thời gian tới thưa ông?

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng những thay đổi về chính sách tại Hoa Kỳ và toàn cầu cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam. XK của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc. Bởi với mức thuế cao áp dụng cho Trung Quốc, các doanh nghiệp quốc tế có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia lân cận, trong đó Việt Nam là điểm đến tiềm năng. Điều này không chỉ thúc đẩy đầu tư FDI mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ Việt.

Ngoài ra, chính sách thúc đẩy hạ tầng và công nghiệp tại Hoa Kỳ, cùng với xu hướng “mua sắm xanh” cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững. Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất (chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024), giúp giảm phụ thuộc vào các sản phẩm thô như dăm gỗ.

Để hỗ trợ ngành gỗ trước thay đổi của thị trường xuất khẩu, theo ông doanh nghiệp ngành gỗ cần những trợ lực gì?

Trong bối cảnh hiện tại của ngành gỗ và kịch bản thuế sắp tới đối với các thị trường trong đó có Việt Nam, để hỗ trợ ngành gỗ trước thay đổi của thị trường xuất khẩu, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đồng hành cùng ngành gỗ trong về việc cung cấp các thông tin về cảnh báo chính sách, rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại. Cung cấp thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ Việt khi các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ… Là đầu mối tổ chức các buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp giữa hai nước nhằm khuyến khích đầu tư ở cả hai hình thức; đồng thời cũng cần có sự quảng bá, giới thiệu về một ngành gỗ Việt Nam bền vững, hợp pháp với các đối tác.

Bên cạnh đó các Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần có các chính sách cởi mở về đầu tư nhưng vẫn quản trị được các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ. Hiện các Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ đã bước đầu chủ động một số hoạt động nhằm giảm thiểu tác động như: đảm bảo chuỗi cung ứng đáp ứng được các yêu cầu của Hoa Kỳ; chuẩn bị trước các phương án có khả năng xảy ra trong năm 2025, nếu Hoa Kỳ áp thuế và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; quảng bá và giới thiệu hình ảnh gỗ Việt mạnh mẽ qua các Hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài; tìm kiếm cơ hội để mở hệ thống phân phối mặt hàng gỗ tại Hoa Kỳ; tăng cường hợp tác với các đối tác, cơ quan, các Hiệp hội, các đơn vị bạn hàng tại Hoa Kỳ; tăng cường chia sẻ thông tin với các bên liên quan. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ là đầu mối tiếp nhận các kênh thông tin để chia sẻ tới các doanh nghiệp ngành gỗ.

Thời gian tới chúng ta không thể lường trước những vấn đề tranh chấp thương mại và nội tại ngành gỗ có nhiều việc cần phải làm, trong đó công việc đầu tiên của doanh nghiệp ngành gỗ cần phải xác định là nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường và xây dựng thị trường. Năng lực cạnh tranh là phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, như sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu quy định của các nước… đồng thời là khả năng cung ứng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, có mẫu mã đẹp và giá hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN