Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm nay đạt 3,5 tỉ USD và ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ các thị trường chủ lực tăng nhập khẩu, trong đó Mỹ dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 1,9 tỉ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết trong tháng 3, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỉ USD, tăng 69,4% so với tháng 2 và tăng 13,6% so với tháng 3.2023.
Thống kê lũy kế trong 3 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,5 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỉ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm nay đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, nhờ nhu cầu từ các thị trường chủ lực tăng. Trong đó, Mỹ là thị trường dẫn đầu về trị giá xuất khẩu, đạt 1,9 tỉ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 482,2 triệu USD, tăng 29,6%; Canada đạt 54,4 triệu USD, tăng 31,7%; Anh đạt 53,5 triệu USD, tăng 28,3%; Úc đạt 34,6 triệu USD, tăng 30,9%; Pháp đạt 33,8 triệu USD, tăng 22,2%…
Theo Bộ Công thương, nhu cầu tăng và hàng tồn kho giảm là yếu tố tác động khiến xuất khẩu gỗ và đồ nội thất gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh trong những tháng vừa qua.
Đáng lưu ý, các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao, xác định Việt Nam là thị trường cung ứng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Việt Nam đang là thị trường cung cấp đồ nội thất gỗ lớn nhất vào Mỹ.
Thống kê trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam đạt 1,4 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 40,8% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Trung Quốc vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay đạt 607,5 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Chuyển mạnh xuất khẩu gia công sang sản phẩm có thiết kế riêng
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thị trường Mỹ đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan cho ngành xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ từ Việt Nam.
Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm nay; hàng tồn kho giảm mạnh.
Ngoài ra, thị trường bất động sản tại Mỹ đang có dấu hiệu ấm lên, doanh số bán nhà tại Mỹ tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, nhờ lãi suất thế chấp giảm đã thu hút người mua… Đây là những điều kiện thuận lợi cho gỗ và nội thất bằng gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn, bất lợi ở thị trường này. Vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị này nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm; thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (đang áp dụng với Trung Quốc) đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành ngày 5.4. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19.4 và ngày 18.7. Theo đó, các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại thị trường Mỹ sẽ được nước này kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn.
Cũng theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cùng với việc tuân thủ, đáp ứng quy định chặt chẽ của thị trường Mỹ, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động tham gia xúc tiến thương mại, cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, nội thất “Made in Vietnam”, coi đây là một trong những mục tiêu trọng yếu trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: Báo Thanh Niên