Tây Nguyên thúc đẩy công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ

Với tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, các tỉnh phía bắc Tây Nguyên gồm Gia Lai và Kon Tum luôn có những định hướng, giải pháp nâng giá trị sản phẩm gỗ và tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành gỗ đang đứng trước nhiều thách thức về vùng nguyên liệu, thị trường, bảo hộ thương mại, truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp… gây khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách, phương thức chuyển đổi để thích nghi trong kinh doanh.

Tỉnh Gia Lai và Kon Tum có khoảng 1,3 triệu ha diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng sản xuất; trong đó, tỉnh Gia Lai có 650 nghìn ha và tỉnh Kon Tum có 641 nghìn ha. Với vùng nguyên liệu hơn 235 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, rừng sản xuất, cao su, tre, nứa… hai tỉnh trọng điểm của khu vực Tây Nguyên được xem là vùng nguyên liệu đáng kể để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng

Tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén… Sản phẩm ngành chế biến từ gỗ phần lớn sản xuất cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm, gỗ mộc dân dụng nội thất như bàn ghế, tủ, giường, ván sàn… Sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước, giá trị không cao, ít có đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tại tỉnh Kon Tum, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được chú trọng; sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa cao nên thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Dù là vùng có diện tích rừng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ hoạt động cầm chừng; chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Trước đây, nguồn gỗ trong nước còn dồi dào và nguồn nhập khẩu nhiều, cho nên doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều đơn hàng. Những năm gần đây, với chủ trương “đóng cửa rừng”, nguồn gỗ tự nhiên giảm sút, nguồn gỗ trồng chưa đủ năm, thị trường nước ngoài chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm, nên việc xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn.

Còn tại tỉnh Gia Lai, diện tích 171 nghìn ha rừng trồng là nguồn nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến gỗ. Toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp và 180 hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động sản xuất chế biến gỗ. Hằng năm, các cơ sở chế biến gỗ đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 750 tỷ đồng, chiếm 2,4% giá trị toàn ngành công nghiệp; trong đó, giá trị sản xuất bàn, ghế, giường, tủ đạt 210 tỷ đồng, giá trị sản xuất các sản phẩm từ ván ép, gỗ xẻ, viên nén nhiên liệu đạt 540 tỷ đồng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Gia Khang tại Khu kinh tế tỉnh Gia Lai chuyên chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ trang trí nội thất, gỗ gia dụng cung ứng cho công nghiệp… Mỗi năm, đơn vị đạt doanh thu từ 40-70 tỷ đồng, tập trung cung ứng ngành công nghiệp nội thất, dự án, công trình trong nước. Theo Phó Giám đốc Công ty Trương Đức Hùng, do “đóng cửa rừng” nên nguồn nguyên liệu gỗ chủ yếu nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Hải Phòng, chi phí vận chuyển, sản xuất tăng cao nên khó khăn trong cạnh tranh thị trường nội địa và xuất khẩu. Định hướng của đơn vị là chế biến gỗ chuyên sâu nên thực hiện dự án trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu hơn 200 ha. Để bảo đảm các điều kiện xuất khẩu, đơn vị cần có những chính sách ưu tiên về quỹ đất rừng, giao diện tích lớn để phát triển vùng nguyên liệu hơn 1.000 ha.

Dù có tiềm năng nhưng tỉnh Gia Lai và Kon Tum vẫn đối diện nhiều khó khăn để phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Cách xa các trung tâm kinh tế lớn, xa cảng biển, hạ tầng giao thông không thuận tiện, hạ tầng logistics chưa phát triển, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng gỗ lớn chưa hiệu quả là những trở ngại trong cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Trình, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai cho biết, các doanh nghiệp gỗ hoạt động cầm chừng vì gỗ tự nhiên không còn, nguyên liệu hạn chế, thị trường tiêu thụ giảm. Hiện nay, Khu kinh tế tỉnh Gia Lai thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ, sản phẩm gỗ giá trị thấp, đầu tư, nâng cấp thiết bị kỹ thuật, sản xuất gỗ công nghiệp, quy mô hướng đến xuất khẩu.

Thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum có khoảng 235.000 ha rừng trồng; trong đó, tỉnh Gia Lai có 171 nghìn ha, tỉnh Kon Tum 64 nghìn ha. Vùng nguyên liệu tập trung của khu vực bắc Tây Nguyên góp phần phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, chế biến sản phẩm gỗ.

Sau thời gian chững lại, các địa phương đang hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu, thu hút các dự án, doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ nhằm nâng giá trị sản phẩm, xuất khẩu các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Tỉnh Gia Lai hiện có 17 dự án về lĩnh vực trồng rừng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư được nhà đầu tư quan tâm và triển khai thực hiện. Tỉnh Kon Tum thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư về miễn giảm thuế, giao cho thuê đất, hỗ trợ chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh nghèo theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư cơ bản hạ tầng khu công nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, để phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp chế biến và mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai; cụm công nghiệp Đăk La, cụm công nghiệp phía tây thị trấn Đăk Tô để phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Đồng thời, thu hút các dự án sản xuất sản phẩm gỗ có giá trị cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu đa dạng thị trường nội địa, xuất khẩu.

Thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngành chức năng tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hiện đại. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất gỗ tinh chế, viên nén nhiên liệu, dăm gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Tỉnh Gia Lai đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 48%; trồng 39.000 ha rừng sản xuất, trong đó, ít nhất 10.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Khi nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Vùng nguyên liệu tập trung hai tỉnh phía bắc Tây Nguyên sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn, vì vậy, tỉnh Gia Lai và Kon Tum tập trung phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, đáp ứng từ 80% trở lên nhu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, chế biến; tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia trồng rừng gỗ lớn để chủ động nguồn cung gỗ nguyên liệu; hình thành liên kết giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng, bảo đảm sản phẩm chế biến, xuất khẩu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng hợp pháp, chứng chỉ bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), chứng nhận quản lý rừng bền vững, dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng (FM)…

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; hình thành mạng lưới cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến gỗ theo các nhóm sản phẩm ngành hàng gỗ địa phương có lợi thế, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phát triển ổn định hơn.

Với thế mạnh vùng nguyên liệu của khu vực Tây Nguyên, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum rất cần được đầu tư hạ tầng giao thông như: đường cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum, đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Bờ Y; hạ tầng logistics để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; hình thành khu lâm nghiệp công nghệ cao khu vực Tây Nguyên.

Nguồn: tapchitaichinh

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN