Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành gỗ

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ đang mở rộng, tận dụng hiệu quả các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng tệp khách hàng, gia tăng doanh thu.
Còn nhiều thách thức

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của tháng 11 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024; tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có thể mang về khoảng 16,3 tỷ USD. Nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ với giá trị khoảng 700 triệu USD, tổng xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho biết, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam – Hoa Kỳ có thể có những thay đổi lớn trong thời gian tới.

“Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng với hàng hóa từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, việc gia tăng nhập khẩu và đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam có thể gây ra tác động tiêu cực”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, ngoài gặp thách thức từ sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách, doanh nghiệp Việt cũngđang chịu áp lực lạm phát tại thị trường Hoa Kỳ.

Ngoài ra, dù ghi nhận sự tăng trưởng nhưng thời gian qua phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt…

Thương mại điện tử thêm hướng đi mới

Trong khi đó, doanh số thương mại điện tử của hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc. Điều này cho thấy, việc tham gia các sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã tham gia bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan.

Bà Nguyễn Thanh Yến My, Đại diện Sàn thương mại điện tử Amazon thông tin, theo những báo cáo uy tín trên thị trường, tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm nội, ngoại thất đang có lợi thế rất lớn và ghi nhận sự tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, thương mại điện tử ngành nội thất dự báo sẽ tăng mạnh trong 4 năm tới và có thể đạt 118,6 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, các sản phẩm nội thất như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo, bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hoá… đang bán rất tốt trên sàn thương mại điện tử.

“Hiện chúng tôi đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang quốc gia này. Có thể kể đến như việc cung cấp các công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng, nhu cầu… Chúng tôi cũng có các báo cáo riêng về thị trường, sản phẩm và có các buổi chia sẻ với doanh nghiệp… nhằm hỗ trợ ngành hàng này khai thác thị trường một cách tốt nhất”, bà My chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Bảo nhận định, việc tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ góp phần giúp sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam tiếp cận nhiều khách hàng hơn, gia tăng doanh thu và giảm bớt rủi ro khi kênh truyền thống gặp ảnh hưởng.

“Ở góc độ hiệp hội, HAWA đang tích cực hợp tác với các đối tác thương mại điện tử lớn của Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển nhằm nâng cao năng lực logistics, hỗ trợ tối ưu cho mô hình xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp”, ông Bảo chia sẻ.

Qua khảo sát cho thấy, sau dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc, trang trí nhà cửa và khu vực làm việc tại nhà của người Mỹ tăng lên. Các sản phẩm nội thất như sản phẩm quà tặng cá nhân từ gỗ, sản phẩm gỗ; kệ sách, kệ giày, kệ nhà bếp, phòng tắm, tủ quần áo, bàn làm việc… gấp gọn đang bán rất tốt trên sàn thương mại điện tử.

Theo HAWA, các nhà sản xuất khi tận dụng cơ hội, đặc biệt khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử cần ưu tiên các sản phẩm có thể tháo rời, lắp ráp dễ dàng, kích thước gọn, dễ đóng gói, dễ vận chuyển và tiết kiệm chi phí…

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN