Xuất khẩu gỗ chuyển biến đáng mừng

Các công ty gỗ đã bắt kịp xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ, giúp đồ gỗ Việt Nam đáp ứng được sở thích của người tiêu dùng. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2024 đã đạt 14,6 tỉ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 10,06 tỉ USD, tăng 22%. Những tín hiệu khởi sắc từ thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đang tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam.

Xuất sang Mỹ chiếm áp đảo

Trong khi đó, số liệu của Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong tháng 11 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt hơn 2 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch 11 tháng lên 15,62 tỉ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 10,09 tỉ USD (tăng 22,5%), gỗ nguyên liệu đạt 4,58 tỉ USD (tăng 17,8%) và lâm sản ngoài gỗ đạt 0,95 tỉ USD (tăng 4,4%). Nhờ đó, ngành gỗ xuất siêu tới 13,11 tỉ USD. Dự kiến cả năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt 17,2 tỉ USD, tăng 18,9% và vượt 13,1% so với kế hoạch đề ra.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm có thể đạt trên 16,2 tỉ USD. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 56% tổng kim ngạch, tức gần 9 tỉ USD. Đồng thời, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 230 triệu USD, cho thấy ngành gỗ đã xuất siêu khoảng 8,8 tỉ USD sang thị trường này. Điều này khẳng định Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), nhận định sự tăng trưởng của ngành gỗ năm 2024 phần lớn nhờ vào các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng mới tại Mỹ, qua đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhu cầu tăng cao vào mùa mua sắm cuối năm ở các thị trường Mỹ và châu Âu đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gỗ Việt Nam. Các DN cũng nhận được nhiều đơn hàng dài hạn, hợp đồng thiết kế mẫu mã mới, cho thấy tín hiệu khả quan so với nửa đầu năm.

Lý giải về sự khởi sắc của thị trường Mỹ, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Scansia Pacific, cho biết nhờ tình hình kinh tế và lạm phát ở Mỹ và các thị trường chủ lực dần ổn định, đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gỗ. Ngoài ra, hàng tồn kho từ những năm trước đã được giải quyết, cũng thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu mới. Ông Bảo kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức kỷ lục tương đương năm 2022 với hơn 17 tỉ USD.

Nhiều thách thức năm 2025

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt, thừa nhận tình hình xuất khẩu gỗ năm 2024 có nhiều khởi sắc so với năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm. DN dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu đồ gỗ khoảng 30 triệu USD. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ vẫn tích cực nhưng thị trường châu Âu lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, ông Lam dự báo sẽ có nhiều khó khăn đang chờ đợi. Trước mắt, DN chỉ có đơn hàng đến hết quý I/2025, trong khi những năm trước, đơn hàng đã có sẵn cho nửa năm.

Điều ông Lam lo ngại nhất là khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, các chính sách thuế có thể thay đổi, dẫn đến sự biến động trong đơn hàng. Để thích ứng, DN đang đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến thông qua các kênh như Amazon, đồng thời kiến nghị Chính phủ triển khai hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ để tránh nguy cơ bị áp thuế trừng phạt.

Ông Đỗ Xuân Lập cũng cảnh báo rằng năm 2025 sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt là từ thị trường Mỹ, nếu chính sách thương mại thay đổi. Nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại khác luôn hiện hữu. Dù vậy, mức thuế cao áp dụng cho Trung Quốc đang thúc đẩy chuỗi cung ứng chuyển dịch sang Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài và tăng cường xuất khẩu.

Cũng liên quan tới thị trường Mỹ, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên quản lý Chương trình Chính sách công và môi trường – Đại học Indiana (Mỹ), cho biết Mỹ có những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chuẩn pháp lý của gỗ nhập khẩu. Các DN Việt Nam cần chứng minh nguyên liệu không vi phạm pháp luật quốc tế và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Việc gian lận xuất xứ, chuyển tải từ nước thứ 3 như Trung Quốc có thể khiến ngành gỗ Việt Nam đối mặt với thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu gỗ sang Mỹ, tạo sức ép cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.

Nguồn: Báo nld.com.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN