Xuất khẩu gỗ cuối năm sẽ còn nhiều biến động khó lường

Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,99 tỷ USD, tăng 22,3 %, doanh nghiệp trong nước đạt 5,371 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước…

Ngày 9/8/2024, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức “Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 3/2024”.

XUẤT SIÊU TOÀN NGÀNH GỖ ĐẠT TRÊN 7,8 TỶ USD

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong 7 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2%; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.

Từ chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, xuất siêu của toàn ngành sau 7 tháng ước đạt 7,86 tỷ USD.

Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành trong 5 tháng cuối năm, ông Lực cho rằng theo yếu tố chu kỳ, các đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng về đồ nội thất bằng gỗ thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, khi thị trường nhà cửa, bước vào giai đoạn hoàn thiện và sửa sang, thay đổi nội thất để đón chào năm mới.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.

“Về thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng: Hoa Kỳ đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24 %; Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92 %; Nhật Bản đạt 949 triệu USD, giảm 2,73%, Hàn Quốc đạt 472 triệu USD, giảm 1%, EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44 % so với cùng kỳ năm trước”.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.

“Nhu cầu thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới khoảng 230 tỷ USD/năm. Trong khi, hiện nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ
của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần nhu cầu toàn cầu, nên các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần”, ông Lực nhận định.

Tuy vậy, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng. Kinh tế thế giới năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá. Giá cước vận tải biển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra, việc hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng của ngành thuế cần nhiều thời gian.

ĐỀ NGHỊ KHÔNG KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ FDI VÀO NGÀNH GỖ

Đến thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì vậy, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

“Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất tại Hoa Kỳ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của cử tri khi bầu cử Tổng thống sắp đến”, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

“Về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp cần chú ý, khi bị nghi ngờ về xuất xứ, hải quan sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Với thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu đến tháng 12/2024 có hiệu lực, sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gặp nhiều khó khăn khi tuân thủ.

Ngoài ra, Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy…

Đề cập về các giải pháp của ngành Gỗ trong thời gian tới, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng cần nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp với 5 trụ cột chính cần hướng tới. Đó là: (i) Các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; (ii) Sản xuất phải giảm phát thải (sản phẩm xanh); (iii) Các giải pháp về quản trị trong đó ưu tiên là chuyển đổi số (áp dụng các phần mềm trong quản trị); (iv) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại (đặt công tác phát triển thị trường là trọng tâm ưu tiên trong thời điểm hiện tại); (v) Xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, VIFOREST đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Đồng thời cần có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.

Ông Lập đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ, nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều hơn nữa các cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu. Đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư có chính sách để các tỉnh không khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm của ngành gỗ mà nước đó đã bị nước thứ 3 áp thuế chống bán phá giá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách hướng tới có cơ chế hỗ phát triển các chương trình, dự án cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên phạm vi toàn quốc thay vì các doanh nghiệp/tổ chức làm các chứng quản lý rừng bền vững ở quy mô nhỏ, lẻ.

Về công tác phòng cháy chữa cháy, đề nghị Cục Phòng cháy chữa cháy của Bộ Công An có sự hướng dẫn, hỗ trợ cho các nhà máy chế biến Gỗ Việt Nam đã xây dựng trước khi có nghị định về Phòng cháy chữa cháy mới, để bảo đảm không bị ngưng trệ sản xuất dẫn đến phá sản.

Nguồn: https://vneconomy.vn

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN