Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt bài toán làm sao cân đối xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong bối cảnh thương mại Mỹ – Trung được dự báo sẽ còn nhiều căng thẳng. Liệu kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Trung Quốc sẽ tác động ra sao tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đây có phải là thời điểm ngành gỗ cần những bước đi chiến lược để thích nghi và khẳng định vị thế?
Chia sẻ tại Toạ đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu mới đây, ông Tô Xuân Phúc, giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp tổ chức Forest Trends cho rằng, chính sách nhập khẩu của chính phủ Mỹ có thể thay đổi bất cứ lúc nào vì “như mọi người đã biết, ông Trump là một người rất khó đoán định”.
“Chúng tôi cũng nhận được những luồng thông tin và các số liệu đưa ra chỉ định rằng nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam có vai trò then chốt trong việc quyết định nguồn cung từ Việt Nam sang Mỹ. Việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất trong nước mà còn có tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chính vì vậy, ngành gỗ Việt Nam cần phải nhìn vào những con số thực tế để đưa ra được những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao vị thế trong mối quan hệ này”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới tất cả các thị trường từ năm 2019 tới 9 tháng đầu năm 2024 so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là gần như tương đương, nhưng tổng số lượng doanh nghiệp giữa hai nhóm này lại chênh lệch rất lớn. Cụ thể, số doanh nghiệp Việt Nam dao động từ 2.900 – 3.800 doanh nghiệp, trong khi số lượng các doanh nghiệp FDI chỉ xấp xỉ con số 680 doanh nghiệp. Mức độ chênh lệch này phản ánh khoảng cách về quy mô và hiệu quả sản xuất giữa hai nhóm doanh nghiệp.
Ông Phúc cũng đưa ra nhận định rằng, mặc dù chính quyền ông Trump và Biden thuộc hai đảng phái khác nhau, nhưng chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ dưới cả hai chính quyền vẫn sẽ có nhiều điểm tương đồng. “Cả hai đều ưu tiên bảo vệ ngành sản xuất trong nước, điều này dẫn đến các biện pháp thuế cao đối với hàng hóa ngoại nhập”, ông Phúc nói.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Huỳnh Thế Du, Quản lý Chương trình, Trường O’Neill thuộc Đại học Indiana (Hoa Kỳ), giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Fulbright nói rằng, ông Trump đã khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và dự kiến thời gian tới khi ông nắm quyền, câu chuyện này có thể sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
Ông Du phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển, giúp tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, với sự gia tăng này, Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa. Các quy định về xuất xứ ngày càng trở nên nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ chặt chẽ để tránh bị Mỹ áp thuế cao. Việc đảm bảo tính minh bạch trong xuất xứ hàng hóa sẽ là yếu tố quyết định trong việc duy trì sự tăng trưởng bền vững của xuất khẩu Việt Nam.
Bước đi tiếp theo của chính quyền ông Trump là thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, khi chính quyền Trump tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trên hết”, điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là việc tái đàm phán các hiệp định như FOIP-IPPF, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Các biện pháp thuế quan và bảo hộ, cùng với yêu cầu kiểm soát thâm hụt thương mại và quy tắc xuất xứ sẽ trở nên khắt khe hơn. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng hóa nhập khẩu yêu cầu Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời phải tăng chi phí để đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ. Điều này tạo áp lực lớn lên thâm hụt thương mại và khả năng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là khi Mỹ có thể áp thêm thuế đối với hàng hóa Việt.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm mà ngành gỗ Việt Nam cần chủ động thích nghi và triển khai chiến lược bền vững để nâng cao vị thế trong bức tranh thương mại toàn cầu. Đồng thời, vượt qua áp lực từ các chính sách thuế quan và bảo hộ của Mỹ, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Nguồn: vnbusiness.vn