Xuất khẩu đồ gỗ trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Trong 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,35 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước…

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 668 triệu USD, tăng 38,3%; Canada đạt 77,5 triệu USD, tăng 29,2%; Anh đạt 73 triệu USD, tăng 21,3%; Úc đạt 46 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.

ĐỒNG LOẠT TĂNG TRƯỞNG MẠNH TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN
Tại thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ. Khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho sản phẩm gỗ đã cạn nên các thương nhân bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.

Nhờ tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Tại thị trường Hoa Kỳ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,8% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong quý 1/2024.

“Thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm 14,8% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada và 22% của Nhật Bản. Tại thị trường Úc, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm 10% tổng giá trị nhập khẩu.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST cho hay do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu hồi phục ở nhiều thị trường, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể, bằng 80 – 90% so với năm 2022. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024.

“Trong giai đoạn 2010-2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25-45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này suy giảm. Tuy nhiên, sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim”, ông Hoài nhận định.

Với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ… Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý 2 và cả năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Hoài, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính…

Quan ngại hơn, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

“Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đẩy mạnh thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bởi nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm 2024”, ông Hoài nhấn mạnh.

NẮM BẮT CƠ HỘI TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồ gỗ tự Việt Nam, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta.

Bà Nguyễn Thanh Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam nhận định: “Việt Nam có rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ có kinh nghiệm gia công. Nguồn nguyên vật liệu đa dạng và chất lượng cao, lao động có tay nghề khéo léo”.

“Dân số Hoa Kỳ đang ngày càng già đi, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Với người cao tuổi, sẽ có nhu sẽ cầu cải tạo lại nội thất trong nhà, sửa chữa nhà bếp hướng vào tính dễ sử dụng. Do đó nhu cầu đồ gỗ sẽ có những thay đổi như: mặt bàn gỗ hạ thấp, kệ kéo, tủ đựng đồ dễ tiếp cận và các đồ gỗ có lắp thêm bộ điều khiển thân thiện với người dùng”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Theo bà My, trong năm 2024 đã có rất nhiều thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất.

“Không gian ngoài trời đa chức năng đang trở thành xu hướng chính trong việc tu sửa nhà tại Hoa Kỳ khi chủ nhà mong muốn tối đa hóa không gian ngoài trời của mình. Nói một cách đơn giản, xu hướng này liên quan đến việc tạo ra các khu vực ngoài trời trên cao hoặc nhiều tầng để mở rộng không gian sống ra ngoài sân sau truyền thống. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ nên nắm bắt kịp thời xu thế này trong tiêu dùng đồ gỗ”, bà My khuyến cáo.

Ông Jimmy Wang, quản lý cấp cao về tìm kiếm nhà cung ứng Wayfair, cho biết mặc dù là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ lớn nhất thế giới nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp đối với người tiêu dùng nước này. Việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Hoa Kỳ là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của hướng chi tiêu của người dân nước này.

Các chủ nhà ở Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến các thiết kế tiết kiệm năng lượng và công nghệ nhà thông minh giúp giảm tác động đến môi trường. Chẳng hạn như thiết kế năng lượng mặt trời thụ động: Cách tiếp cận này tối đa hóa ánh sáng và nhiệt tự nhiên từ mặt trời để giảm nhu cầu chiếu sáng và sưởi ấm nhân tạo. Các tính năng bao gồm cửa sổ lớn hướng về phía Nam, phần nhô ra để che nắng và vật liệu khối nhiệt như bê tông hoặc đá để hấp thụ và giải phóng nhiệt.

“Sử dụng vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường như gỗ rừng hợp pháp, sàn tre, mặt bàn kính tái chế và sơn có hàm lượng VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) thấp giúp giảm tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng không khí trong nhà”, ông Jimmy Wang phân tích.

Theo ông Jimmy Wang, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những sản phẩm để chứng minh mình là người phù hợp để lựa chọn, không chỉ bằng chất lượng sản phẩm, những yếu tố lắp dễ dàng, thân thiện môi trường hay chi phí hợp lý, mà còn cần nhấn mạnh vào việc tiết kiệm chi phí, hiệu quả sử dụng và sự hài lòng của khách hàng.

Theo: vneconomy

Trả lời

0901 455 726
NHẮN TIN