Thị trường xuất khẩu được dự đoán sẽ có điều chỉnh, nhưng các doanh nghiệp nhận định, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế xuất khẩu sang Mỹ sau khi nước này có Tổng thống mới.
Ngành gỗ và nội thất không quá lo
Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần D’Furni thông tin, thị trường Mỹ đóng vai trò rất quan trọng, bởi xuất khẩu sang thị trường này hiện chiếm 80% sản lượng xuất khẩu của D’Furni, với các dòng sản phẩm nội thất cho các dự án khách sạn, văn phòng.
Khi ông Donald Trump tái đắc cử, một số ngành như khu công nghiệp, dệt may, gỗ sẽ có ảnh hưởng tích cực; nhóm thủy sản, chất dẻo, dầu khí có mức ảnh hưởng trung lập… Như vậy, trong bất kỳ kịch bản nào, ông Thập nhận định, ngành gỗ và nội thất vẫn sẽ được hưởng lợi.
Về phía Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, Giám đốc Nguyễn Ngọc Luận đưa ra 2 ảnh hưởng khi ông Donald Trump tái đắc cử.
Thứ nhất, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 – 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
“Một vài năm trở lại đây, tỷ giá biến động nhiều, đẩy lạm phát tăng cao. Không chỉ riêng sản phẩm Việt Nam, mà nhiều sản phẩm ở các quốc gia khác nhập khẩu vào Mỹ cũng rất khó khăn. Đây là điều chúng tôi trăn trở, do đó, doanh nghiệp kỳ vọng Tổng thống Donald Trump sẽ có một chiến lược dài hơi về kinh tế vĩ mô để nền kinh tế thị trường ổn định hơn. Từ đó, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Toàn Cầu nói riêng sẽ cao hơn”, ông Luận chia sẻ.
Vững chân trước tác động của ngoại lực
“Chiến lược của chúng tôi là tập trung đầu tư cho nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường ngách của ngành hơn là tìm cách ứng phó trước sự thay đổi về chính trị của nước Mỹ”, ông Vũ Tiến Thập khẳng định.
D’Furni đang có kế hoạch mở rộng nhà máy tại TP.HCM. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ, nhân sự, mở rộng thêm một vài dây chuyền sản xuất… để làm chủ các công đoạn quan trọng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tại D’Furni – Chi nhánh Mỹ, đồng thời mở rộng thị trường Australia, Nhật Bản…
Dù có phần thận trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt tự tin khẳng định, sản phẩm từ Việt Nam đủ chất lượng và đủ năng lực cạnh tranh. Do đó, dù có thêm hàng rào thuế quan, phi thuế quan hay căng thẳng tỷ giá, các doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu vẫn sẽ đi lên và thuận lợi.
Ông Trần Văn Phát, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ROBOT thông tin, doanh nghiệp đã nâng cấp quy trình sản xuất, tập trung vào sản phẩm chất lượng cao để đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh trong các thị trường khác nhau. Các sản phẩm như máy lọc nước điện giải ion kiềm đã có chứng nhận CE của châu Âu và đã đăng ký chứng nhận FDA của Mỹ.
Ngoài tập trung xúc tiến thương mại ở thị trường Mỹ, ROBOT đã có kế hoạch mở rộng mạng lưới khách hàng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, để giảm bớt phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất, nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước các biến động chính sách.
Trước rủi ro nhỏ là nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế với hàng từ Việt Nam, ông Phát chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ rủi ro này và luôn đảm bảo nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu hoàn toàn từ Việt Nam hoặc linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ các quốc gia phù hợp.
Để tránh những hiểu lầm và tranh chấp, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng minh bạch, đảm bảo đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ. Chúng tôi cũng liên tục cập nhật và tuân thủ các quy định hải quan và xuất nhập khẩu từ cả phía Việt Nam và Mỹ. Đồng thời, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý để kịp thời ứng phó nếu có bất kỳ thay đổi nào về thuế quan hay quy định”.
Nguồn: baodautu.vn