Tiềm năng, xu hướng tăng trưởng trong nửa cuối năm và động thái mới nhất của Hoa Kỳ đã đưa nền xuất gỗ Việt vào thị trường này đứng trước nhiều cơ hội mới.
Xuất khẩu gỗ đang trên đà tăng
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD (nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ là gần 8 tỷ USD), tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023; riêng nhóm đồ gỗ đạt 5,066 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Hoa Kỳ đang chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xuất khẩu này vào Hoa Kỳ có sự tăng trưởng dần theo các tháng là thị trường Hoa Kỳ đang phục hồi với nhiều tín hiệu tích cực.
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, tại thị trường Hoa Kỳ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nước này.
“Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của ngành hàng vào thị trường Hoa Kỳ phục hồi đáng kể. Các doanh nghiệp thuộc hiệp hội cho hay, đơn hàng vào Hoa Kỳ tăng đều qua các tháng và họ đã có đơn hàng đến hết quý II. Nhiều doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến cuối năm nay. Đó là điều rất đáng mừng sau sự suy giảm và khó khăn trầm trọng của năm 2013”, ông Ngô Sỹ Hoài – Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phấn khởi chia sẻ.
Ông Hoài cho biết thêm, đến thời điểm này các sản phẩm Việt đang chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ là ghế khung gỗ, đồ nội thất như tủ quần áo bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân…đáp ứng rất hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng và thị hiếu của thị trường. Do đó, tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng này của Hoa Kỳ từ Việt Nam chiếm khá lớn.
Tăng tốc, bứt phá nửa cuối năm
Nhận định về tiềm năng, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Hoa Kỳ nửa cuối năm, các chuyên gia đều cho rằng, theo diễn biến mới nhất, Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, kéo theo đó nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh mẽ.
“Hơn thế nữa, theo chu kỳ hàng năm, đến hạn lại lên, quý cuối năm có xu hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Thị trường Hoa Kỳ không ngoại lệ khi nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất của người dân để đón chào năm mới. Vì vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường lớn khác sẽ tăng trưởng mạnh. Chúng ta vững tin sẽ đạt được những con số ấn tượng cho nửa cuối năm 2024”, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, có một yếu tố cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Hoa Kỳ thời gian tới, đó là Hoa Kỳ hủy điều tra. Cụ thể, ngày 17/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông báo, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
“Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm. Về dài hạn, với kế hoạch đẩy mạnh khai thác các thị trường Hoa Kỳ, chúng tôi đang khảo sát và nắm bắt triệt để, cặn kẽ những thay đổi trong xu thế tiêu dùng của người dân để có những sản phẩm phù hợp, thích nghi. Thiết nghĩ, chỉ khi theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Hoa Kỳ thì sản phẩm của chúng tôi mới nâng cao được thị phần tại đây”, ông Nguyễn Hải Anh – chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chia sẻ.
Xu thế thay đổi tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ thời gian qua được nhiều chuyên gia nhắc đến chính là các sản phẩm gần gửi thiên nhiên, không gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính…Đồng thời những yêu cầu về chất lượng, độ tiện dụng, lắp đặt dễ dàng của sản phẩm ngày một cao hơn.
Đồng thời các chuyên gia nước ngoài cũng cảnh báo, doanh nghiệp Việt cần thận trọng trước việc tập trung quá mức vào xuất khẩu một sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ bởi có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Song song với đó cần cảnh giác với nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa…
Đặc biệt, các chuyên gia còn cho rằng, hiện Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ ra thị trường thế giới, nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp đối với người tiêu dùng. Đối với thị trường Hoa Kỳ cũng vậy. Hạn chế này nguyên nhân không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Điều đó đòi hỏi hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công thương cần thiết thực hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nguồn: cafef.vn